Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, … và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các điểm cầu.
Hội nghị đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, trong bối cảnh Chính phủ xác định 4 "ổn định" gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có cung cầu lao động; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chúng ta tổ chức các hội nghị trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thực hiện bài bản, lớp lang, đồng bộ.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế đất nước, chắc chắn cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay. Nhìn chung, hệ thống thể chế, luật pháp, chính sách về thị trường lao động của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung - cầu lao động gia tăng; chất lượng việc làm đang cải thiện; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỉ trọng lao động khu vực nông nghiệp - tăng tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ lệ việc làm dễ bị tổn thương - tăng tỉ lệ việc làm được bảo vệ; tiền lương và thu nhập của người lao động có cải thiện; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Qua đại dịch COVID-19, đất nước phải gánh chịu nhiều tác động nặng nề, đặc biệt là thị trường lao động Việt Nam. Từ đó, bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu, những nhân tố cần quan tâm hoàn thiện trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.
05 ưu điểm trong quá trình phát triển thị trường lao động.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra năm ưu điểm trong quá trình phát triển thị trường lao động mà đất nước đã thực hiện được kể từ sau Đổi mới, cụ thể:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện. Đáng chú ý, Bộ luật Lao động năm 2019 và các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn triển khai được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn, tạo hàng lang pháp lý để phát triển thị trường lao động; chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng cầu nhân lực của nền kinh tế và đặc biệt là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).
Thứ ba, lực lượng lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại, bền vững. Giai đoạn 2011 - 2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5 - 1,6 triệu lượt người, tỉ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Từ 2020 - 2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động được cố gắng duy trì ở 3,22%, bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, nhưng đến nay, thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trở lại.
Thứ tư, nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch COVID-19. Chính phủ đã tập trung tháo gỡ những "nút thắt" về thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo việc làm; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích dự báo thị trường lao động; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.
Thực tế gần đây, với Nghị quyết số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP, cả nước đã dành hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Hiện nay đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng.
Thứ năm, hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động. Đến tháng 7 năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Song, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã mà đất nước đã đạt được, đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ hơn, sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động như: (1) Nguồn cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, chưa thu hút được đầu tư FDI; (2) Nhu cầu lao động chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động; (3) Hiện tại, thị trường lao động Việt Nam đang dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường lao động còn yếu do hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đầy đủ; (4) Quản trị thị trường lao động còn rời rạc, thiếu kết nối, thiếu cán bộ và chuyên gia có thể đưa ra dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động có hiệu quả; (5) Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.
Những giải pháp phục hồi, ổn định thị trường lao động.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khối giải pháp phục hồi, ổn định thị trường lao động cần xác định rõ nhiệm vụ theo từng giai đoạn của tình hình kinh tế, giải quyết cung - cầu lao động, …
Về một số nhiệm vụ trước mắt:
- Tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước: Thị trường lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.
- Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
- Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc
07 giải pháp lâu dài nhằm phát triển thị trường lao động:
(1)Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.
(2) Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
(3) Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh 8 nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
(4) Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
(5) Đầu tư công tác dự báo cung – cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.
(6) Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.
(7) Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao.
Lắng nghe kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động.
Cùng trao đổi với Chính phủ, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen cho biết, Hội nghị có mối quan hệ gắn kết với sứ mệnh cốt lõi của ILO cũng như là nội dung chính trong chương trình làm việc của ILO với Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội trong hai thập kỷ qua.
Bà Christensen khẳng định: “Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động”.
Theo Giám đốc ILO, ở Việt Nam, công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Bên cạnh nhóm lao động trình độ kỹ năng cao có việc làm chính thức, còn có một bộ phận khác gồm những người lao động có kỹ năng thấp làm các công việc phi chính thức năng suất thấp. Lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Sự tăng trưởng dựa vào một thị trường lao động trong đó có hơn 60% lao động không có tiếp cận an sinh xã hội sẽ không bền vững, đặc biệt là trong một xã hội đang có sự già hóa về dân số như Việt Nam.
Khuyến nghị đối với Việt Nam, trong việc sửa đổi Luật Việc làm, ILO cho rằng cần hướng dẫn đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người tìm việc; Luật Việc làm cần có sự linh hoạt để có thể định kỳ sửa đổi bám theo thị trường lao động và quy định thành lập một cơ chế ba bên; cần có hành động chiến lược để chuyển dịch công bằng hướng đến nền kinh tế và xã hội bền vững hơn về môi trường; cần định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm bao trùm vai trò của di cư, an sinh xã hội, giới, kỹ năng và có liên kết thương mại, chính sách công nghiệp, công nghệ, năng suất, bảo vệ môi trường trong mối liên kết với việc làm xanh và các lĩnh vực khác.
Đóng góp ý kiến với Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhận định Hội nghị có ý nghĩa rất lớn, vấn đề lao động và phát triển thị trường lao động đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định đối với việc phát triển kinh tế của một quốc gia. Ngược lại, phát triển kinh tế tốt cũng là điều kiện để phát triển thị trường lao động bền vững.
Từ góc độ hoạt động ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng xác định, bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động rất quan trọng. Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Chúng tôi cho rằng, lạm phát cao chính là một loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của người lao động, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ”, Thống đốc cho biết thêm.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tín dụng (tính đến ngày 15/8, tăng 9,62%), đóng góp rất nhiều cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ tái cấp vốn cho người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động, vượt qua thời điểm khó khăn.
Nhìn về bước đi của thị trường lao động thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu theo từng khu vực phù hợp. Với ngành ngân hàng, không chấp nhận lực lượng lao động phổ thông mà đòi hỏi chất lượng rất cao, tinh túy.
Thời gian tới, các Nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược phát triển thị trường lao động cần làm rõ cơ cấu thị trường lao động theo khu vực, khu vực nào cần lao động chất lượng cao, khu vực nào cần lao động giản đơn.
Tham luận tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyuen Việt Nam Thái Văn Tông chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội toàn cầu. Trên góc độ doanh nghiệp, Tập đoàn Pouyen hiện đang sử dụng khoảng 130.000 lao động Việt Nam, vừa qua là khoảng thời gian đầy thách thức, khó khăn với tập đoàn sản xuất gia công giày thể thao xuất khẩu này. Tháng 7/2021, 8 nhà máy tại 5 tỉnh, thành phố đã phải ngừng sản xuất từ 3,5 đến 4 tháng.
Đề xuất với Chính phủ, đại diện Tập đoàn Pouyuen cho biết, cần ưu tiên tiêm vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động để doanh nghiệp có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và nhanh chóng trở lại quỹ đạo hoạt động sản xuất bình thường. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tiền thuê nhà để giúp đỡ người lao động sớm trở lại thị trường lao động và ổn định việc làm. Hiện đã có khoảng 36.000 người lao động của Tập đoàn Pouchen tại các tỉnh, thành phố nhận được tiền trợ cấp thuê nhà từ gói hỗ trợ này.
“Chúng tôi mong Chính phủ tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề, bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường xây dựng các trường đào tạo trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao giúp Pouyuen cũng như nhiều doanh nghiệp có thể tăng cơ hội việc làm cho người lao động trong nước”, ông Thái Văn Tông bày tỏ.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Bắc giang xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá, đồng thời, chú trọng các khâu bên cạnh như: Ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng đào tạo; dạy nghề; dự báo kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội để sẵn sàng cho làn sóng lao động nhập cư.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong số hơn 300.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, có tới 1/3 là lao động nhập cư nên tỉnh rất chú trọng các giải pháp để phát triển thị trường lao động hài hòa, bền vững.
“Từ thực tế địa phương, chúng tôi cho rằng để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập cần chú trọng vào một số giải pháp trọng tâm”, Chủ tịch Lê Ánh Dương nhận định.
Về phía tỉnh Bắc Giang, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; phát triển hài hòa giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp và liên thông giữa hai lĩnh vực, có chính sách đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống các trường nghề, nhất là các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng; cần có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị; nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
(Dẫn nguồn: http://molisa.gov.vn)