Nhiều sinh viên chọn học nghề để đi XKLĐ sau khi tốt nghiệp.

Nhiều sinh viên chọn học nghề để đi XKLĐ sau khi tốt nghiệp.

Thị trường Nhật Bản vẫn hấp dẫn lao động

Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt, được NLĐ Việt Nam ưa thích. Tính đến nay, Việt Nam đưa được gần 200.000 LĐ sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản.

Theo Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ- Thương binh và Xã hội), năm 2018, tổng số LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 LĐ, trong đó dẫn đầu là thị trường Nhật Bản, đạt gần 69.000 LĐ, chiếm gần 50% LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tại Vĩnh Long, với 1.574 người đi XKLĐ trong năm 2018 thì thị trường Nhật Bản thu hút gần 1.300 LĐ.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, thị trường Nhật Bản có sức hút đối với LĐ bởi thu nhập cao, chế độ bảo hiểm an sinh xã hội tốt, quyền lợi NLĐ được đảm bảo. Hiện, các doanh nghiệp ở Nhật “đặt hàng” trung tâm tuyển trên 850 LĐ làm việc tại Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2019 với nhiều ngành nghề như: lắp ráp linh kiện điện tử, may công nghiệp; xây dựng; đóng gói thực phẩm; công nghệ ô tô;…

Mức lương cơ bản của NLĐ từ 28- 35 triệu đồng/tháng. Đối với LĐ diện kỹ sư, kỹ thuật viên, mức thu nhập trên 45 triệu đồng/tháng. Đồng thời, được hưởng chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội giống như người bản xứ. Song, với những ngành có trình độ cao, thì NLĐ cần phải trang bị tiếng Nhật thật tốt mới đáp ứng được.

Em Nguyễn Thị Kim Xuyến (Tam Bình) đang làm việc ở Nhật Bản được 2 năm. Ngoài giờ làm việc, Xuyến còn bán hàng online để thêm thu nhập, cuối tuần rảnh rỗi thì tham quan và học hỏi văn hóa người Nhật.

Năm 2019, số lượng LĐ đi làm việc ở Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh và nhanh hơn nhờ dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua vào ngày 8/12/2018 và có hiệu lực từ tháng 4/2019. Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 LĐ nước ngoài trong 5 năm tới.

Nhiều cơ hội, lựa chọn cao

Bộ LĐ- Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa được 120.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2019. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà LĐ Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi, như điều dưỡng, hộ lý, LĐ trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, LĐ có tay nghề, kỹ thuật cao,…

Những cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao đang rộng mở với LĐ Việt Nam. Song, để có thể nắm bắt được những cơ hội này thì LĐ phải rèn luyện kỹ năng về ngoại ngữ và kỷ luật LĐ.

Thực tập sinh điều dưỡng có tay nghề tốt đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản cần có bước chuẩn bị kỹ càng từ khâu đào tạo, tiếng Nhật, các kỹ năng cần thiết.

Thực tập sinh điều dưỡng có tay nghề tốt đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản cần có bước chuẩn bị kỹ càng từ khâu đào tạo, tiếng Nhật, các kỹ năng cần thiết.

Em Bùi Thị Mỹ Tiến (sinh viên ngành công nghệ ô tô- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật) ấp ủ ý định đi XKLĐ ở Nhật sau khi tốt nghiệp, để tích lũy số vốn gửi về đỡ đần cho gia đình. Hiện tại, Mỹ Tiến đang nỗ lực học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời, em đã đăng ký học tiếng Nhật vào mỗi buổi tối để trang bị vốn liếng về ngoại ngữ làm hành trang cho bản thân khi tham gia XKLĐ sau này.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng là quốc gia có ngành công nghệ ô tô phát triển cao, đây sẽ là cơ hội rất tốt để em học hỏi, rèn luyện kỹ năng tay nghề của mình, đến khi về nước em có thể tìm được một công việc tốt, với thu nhập ổn định.

Riêng tại Vĩnh Long, tỉnh sẽ phấn đấu đưa 1.610 người đi XKLĐ. Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở LĐ- Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, để đạt mục tiêu trên, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối thông tin thị trường LĐ, việc làm trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, chú trọng tổ chức phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền phổ biến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về dạy nghề, việc làm, đặc biệt chính sách hỗ trợ XKLĐ đến tất cả người dân trong độ tuổi LĐ chưa có việc làm và kể cả NLĐ đã có việc làm nhưng không bền vững, thu nhập không ổn định…

Song song đó, ngành tăng cường mời gọi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng hoạt động trên địa bàn tỉnh; tập trung triển khai phối hợp với một số doanh nghiệp, đơn vị có năng lực để tăng cường thực hiện tư vấn, đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ tạo nguồn LĐ đi XKLĐ ngay tại tỉnh.

Ngoài ra, ngành thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ đi XKLĐ, trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh; triển khai thực hiện “Đề án quản lý, khai thác sử dụng lực lượng LĐ của tỉnh đi XKLĐ trở về”.

Dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi Nhật Bản chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua vào ngày 8/12/2018 và có hiệu lực từ tháng 4/2019. Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 LĐ nước ngoài trong 5 năm tới. Theo nội dung trong dự luật, trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận LĐ nước ngoài trong 14 ngành nghề: Xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không.

 


 

 

Dự kiến chỉ riêng với thị trường Bulgaria, năm 2019, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 LĐ ở 4 lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. LĐ Việt Nam sang Romania có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của LĐ vào khoảng 40 triệu đồng/người.