Tại Hội nghị đã đánh giá kết quả đạt được của toàn ngành Lao động - TBXH trong nửa đầu năm 2020, cụ thể một số kết quả đạt được:
Việc làm:
 ước 6 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 574 nghìn người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 540 nghìn người, bằng 76,1% cùng kỳ; đưa trên 34 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62,4%.

Giáo dục nghề nghiệp: tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; tiếp tục đào tạo thí điểm cho 22 nghề cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Tổ chức cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội; song song với việc tiếp tục giảng dạy, học tập bằng hình thức trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm ước khoảng 776,2 nghìn người, đạt 34,3% kế hoạch; trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 26,2 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 750 nghìn người.

Bảo hiểm xã hội: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hết tháng 6/2020 có 15,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, giảm 604 nghìn người so với thời điểm hết năm 2019 (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,534 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện khoảng 636 nghìn người); 12,773 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm 656 nghìn người so với cuối năm 2019. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất.
Về công tác thực hiện những chính sách an sinh xã hội, bên cạnh chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tập trung triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP bảo đảm công khai, minh bạch, thận trọng, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trục lợi chính sách. Cơ bản, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lên danh sách và chi trả trực tiếp đến các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Về thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công, Bộ LĐ-TBXH đã thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.Rà soát, tổng hợptình hình giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các địa phương; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 315 liệt sĩ, cấp đổi lại trên 6.500 bằng Tổ quốc ghi công. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, chuẩn hóa thông tin mộ liệt sĩ; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở.
Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội; nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hộivới tổng kinh phí trên 17 nghìn tỷ đồng. Đảm bảo cho các đối tượng yếu thế đón tết Canh Tý vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp gạo cứu đói Tết Nguyên đán và những tháng giáp hạt đầu năm cho người dân ở một số địa phương khó khăn, bảo đảm  công tác cứu trợ đột xuất được kịp thời, không để người dân nào bị đói.
Thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…). Nhân rộng các mô hình, cách làm hay giúp dân giảm nghèo ở các địa phương; hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Ngân hàng Chính sách xã hội gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giải ngân cho vay mới, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.Giảm nghèo dần đi vào thực chất hơn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh. Công bố kết quả giảm nghèo cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 giảm xuống còn 3,75%, giảm 1,48% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm 5,78% so với cuối năm 2018.
Về công tác trẻ em, Bộ đã báo cáo, giải trình Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội). Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Phối hợp trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Công tác bình đẳng giới, tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các chương trình, đề án về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là các hoạt động nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; có các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh.