Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, trong đó đã xác định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế xã hội.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời các vướng mắc cho các địa phương liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, hướng dẫn thực hiện việc giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành nhiều văn bản phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương…nhằm đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả các quy định của pháp luật, đảm bảo các điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp.

Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, thực hiện các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ảnh 0
 
Ảnh 1
 

Có thể nói trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đã được đặc biệt quan tâm ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo nhiều kênh thông tin để người lao động người sử dụng lao động có thể được tiếp cận thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; được xã hội đánh giá đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên. Thực hiện Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ và thực hiện chính sách về bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm ngày 16/11/2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, Trung tâm đã tổ chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trong suốt 10 năm, đặc biệt là từ năm 2014, tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển mạnh về số lượng các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, số lượng các cụm, các Khu công nghiệp; số lượng lao động trong và ngoài tỉnh tham gia làm việc tại tỉnh Thái Nguyên tăng mạnh. Đồng thời số lao động tham gia BHTN và đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh (Năm 2018: 7.031,  tăng so với năm 2017 là 1.826 trường hợp, chiếm trên 35% số lao động nộp hồ sơ năm 2017). Trung tâm luôn đầu tư nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới trong phương pháp làm việc, cải thiện môi trường giao dịch, tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các chế độ BHTN (tham mưu giải quyết các chế độ BHTN theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn; Số người lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề năm 2018 là: 385 người – tăng khoảng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2017; Số người lao động thất nghiệp được giới thiệu việc làm thành công cho 1.524 người – tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017).

10 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị và tham mưu giải quyết các chế độ BHTN cho 6.627 người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; tăng so với cùng kỳ năm 2018 là trên 10%, trong đó chủ yếu là lao động dưới 35 tuổi, ở các nhóm ngành nghề như điện, điện tử, may mặc. Người hưởng thất nghiệp chủ yếu là không có bằng cấp, chứng chỉ. Người lao động đa phần chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì lý do cá nhân, chiếm 80% so với tổng số lao động hưởng BHTN.

Với số lượng lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên để đề nghị giải quyết chế độ BHTN ngày càng đông, tuy nhiên công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động vẫn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến đề nghị giải quyết chế độ BHTN thông qua các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, vị trí việc làm trống trong tỉnh và ngoài tỉnh, tư vấn các việc làm phù hợp với trình độ, nguyện vọng của người lao động với phương châm người lao động sớm tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động, góp phần giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Kết quả 10 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức tư vấn, cho 24.912 lượt người, giới thiệu việc làm cho 2.597 lao động vào các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm đã đề nghị giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề cho 443 người thất nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2019, giúp người lao động có cơ hội được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp và thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm việc làm mới.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính trong công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến giao dịch tại Trung tâm.

Việc thực hiện chế độ BHTN trong thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cục Việc làm, Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, cùng với sự phối hợp của Phòng chuyên môn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh 0
 

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên tiếp tục:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến đông đảo người lao động, một mặt khuyến khích người lao động tham gia chính sách BHTN, một mặt tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động.

-Tăng cường kết nối thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhằm cung cấp đa dạng thông tin vị trí việc làm, giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với bản thân, hạn chế tình trạng thất nghiệp, tìm được việc làm, góp phần ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

- Tích cực liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghề cho lao động là người thất nghiệp, nhằm giúp người lao động học nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm việc làm sau đào tạo.

- Tăng cường kết nối dữ liệu với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; đồng thời phát hiện các trường hợp người lao động có việc làm nhưng chưa khai báo kịp thời với Trung tâm trong thời gian hưởng BHTN nhằm đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.